TRƯỜNG THCS TRƯƠNG CÔNG GIAI – TỰ HÀO NGÔI TRƯỜNG MANG TÊN DANH NHÂN ĐẤT VIỆT
Trường THCS Trương Công Giai được thành lập ngày 19/5/2021 theo quyết định số 689 của UBND Quận Cầu Giấy. Ngôi trường mới được vinh dự mang tên một danh nhân đất Việt: Trương Công Giai – một trong những Tiến sĩ trẻ nhất trong lịch sử khoa bảng phong kiến Việt Nam, một vị quan suốt đời liêm khiết, yêu nước, thương dân; một trong những Hiệu trưởng của trường Quốc tử giám, có nhiều đóng góp cho nền giáo dục nước nhà.
Trường THCS Trương Công Giai được thành lập ngày 19/5/2021 theo quyết định số 689 của UBND Quận Cầu Giấy. Ngôi trường mới được vinh dự mang tên một danh nhân đất Việt: Trương Công Giai – một trong những Tiến sĩ trẻ nhất trong lịch sử khoa bảng phong kiến Việt Nam, một vị quan suốt đời liêm khiết, yêu nước, thương dân; một trong những Hiệu trưởng của trường Quốc tử giám, có nhiều đóng góp cho nền giáo dục nước nhà.
Dưới đây là vài nét về Tiểu sử của tiến sĩ Trương Công Giai
Trương Công Giai (19 tháng 11 năm 1665 - 8 tháng 2 năm 1728) là vị quan thời Hậu Lê, được phong đến chức Thượng thư bộ hình. Ông đỗ Tiến sĩ năm 20 tuổi, được biết đến là một trong 13 tiến sĩ trẻ nhất trong lịch sử khoa bảng thời phong kiến Việt Nam. Trương Công Giai làm quan, phục vụ đất nước trải qua nhiều trọng trách khác nhau như: Bồi tụng Hình bộ Thượng thư (giúp việc điều phối hoạt động chung của cung vua và phủ chúa); phụng Quản Tiệp Cơ (đứng đầu cung vua, phủ chúa điều hành lực lượng quân cơ), tước Nhập Thị Kinh Diên (võ quan có công lao với triều đình); Quyền lễ bội sự (quyền giải quyết mọi việc sự vụ của bộ Lễ). Đặc biệt, ông có thời gian dài giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám (Hiệu trưởng trường Quốc Tử Giám), có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà.
Theo các giai thoại còn lưu truyền đến ngày nay, Trương Công Giai lúc nhỏ được gọi là thần đồng bởi học tài, thông kinh thấu chữ, ứng xử tài hoa, lại được người cha là một danh y nổi tiếng dạy bảo, cho học hành chu tất. Vốn là cậu bé hiền lành, thông minh, nhạy cảm nên không cứ thượng quan hay thứ dân, ai hỏi gì đều lễ phép, đáp lời trôi chảy khiến ai cũng dễ hiểu và tin yêu.
Trong suốt 43 năm làm quan, Trương Công Giai là người liêm khiết, trong sáng, tận tụy, luôn nêu cao quan điểm làm quan để giúp vua, giúp đời. Quan điểm sống và làm quan của ông được thể hiện trong bức đại tự thờ bốn chữ: “Quan tiết bất đáo” (quan thanh liêm và khí tiết, không nhận của gian phi).
Con trai trưởng của Trương Công Giai là Triều liệt Đại phu Quan Tiến lộc Trương Luận Xuyên đã chép về người cha của mình như sau: “Cụ có phong thái kì vĩ, thần thái ung dung, mặt tựa tô son, đứng ngồi đĩnh đạc, ôn hòa từ ái, cần kiệm, thanh cao. Cụ lúc nhỏ được gọi là Thần đồng, khi lớn dốc lòng theo đạo Nho. Cụ làm quan trong sạch, cần cù. Lấy lòng hiếu đễ thờ cha mẹ, lấy nghiêm khắc giữ nếp nhà. Thờ vua tận tụy, trong triều ngoài nội đều giữ tiếng khen. Thực đáng người hiền, tiếng thơm lưu truyền hậu thế”.
Trương Công Giai xứng đáng là một người thầy mẫu mực cho thế hệ sau phấn đấu, học tập.
(Nguồn tư liệu: dangcongsan.vn; khoahocdoisong.vn)